THÀNH HOÀNG ĐẾ NĂM 1778 DƯỚI MẮT NGƯỜI ANH

Đăng bởi Admin vào lúc 16-09-2020
THÀNH HOÀNG ĐẾ NĂM 1778 DƯỚI MẮT NGƯỜI ANH
Thành Hoàng Đế của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, theo Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn thì được biết xây trên nền cũ thành Đồ Bàn (Xà Bàn, Chà Bàn) xưa là quốc đô của Chiêm Thành. Trong thành có Tháp cổ, có nghê đá, voi đá của người Chiêm (Tr 43 Tập III).
Theo Liệt Truyện, biết được danh xưng của thành có là vào năm 1778. Sau khi xây thành, sau khi xưng Đế, Nguyễn Nhạc sai “Tổng đốc Chu, Tư khấu Uy, Hộ giá Phạm Ngạn đem thủy sư lấn cướp Trấn Biên (Biên Hoà), Phiên Trấn (Gia Định), các địa phương ven biển”.
Thực Lục thì cho biết các tướng này thực thi nhiệm vụ vào tháng Hai âm lịch năm Mậu Tuất (Tr 221 Tập I). Như vậy danh xưng thành Hoàng Đế đã có từ mùa Xuân năm 1778. Tháng 7 DL sứ đoàn người Anh của Chapman mới đến đây.
Thành Hoàng Đế hiện nay thuộc ranh giới các thôn Nam Tân và Bắc Thuận xã Nhơn Hậu, cùng khu vực Bả Canh phường Đập Đá ở Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Chapman đã tường trình cho Toàn quyền Anh và Công ty Đông Ấn thuộc Anh ở Bengal buổi hội kiến của ông và triều đình nhà Tây Sơn tại đây năm 1778, trong đó có đôi dòng sơ lược dáng vẻ bên ngoài của Hoàng Đế thành:
 
● “Khoảng 8 giờ chúng tôi đã thấy bóng dáng hoàng thành của Đức vua. Cửa thành phía Đông, nơi lối vào mở rộng ra ước chừng 3/4 dặm (hơn 1km) là một bức tường bằng đá thẳng tắp, nhiều chỗ đã qua sửa chữa, không có đại bác, lỗ châu mai, tháp canh, kể cả những thứ để làm nên một công sự phòng thủ. Tuy vậy bấy nhiêu cũng đủ để đáp ứng mục đích của chủ nhân. Tôi được biết nó là một tòa thành vuông, các cạnh khác tương tự như tường thành chúng tôi đã đi qua” (Tr 39 Missions To CoChin China).
Lối vào của sứ đoàn người Anh là cửa thành phía Đông, tức ngả QL1A vô ngõ Bả Canh hiện nay. Theo "Đồ Bàn Thành Ký" của Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển viết vào thời Tự Đức, thì đó là lối mà khi khởi công xây dựng Nguyễn Nhạc đã cho mở rộng thêm hơn so với thành cũ của người Chiêm:
● “Mở rộng cửa Đông kéo dài chu vi 15 dặm, cao 1 trượng 4 thước (hơn 5m), dày 2 trượng (hơn 9m), mở thêm 1 cửa nữa ở cửa Nam thành 5 cửa. Bên trong có xây thành nhỏ, chính giữa là lầu Bát giác, hai bên dựng 2 nhà thờ, phía tả thờ tổ tiên ông Nhạc, phía hữu thờ tổ tiên bà Nhạc. Phía sau lầu là điện chánh tẩm (phòng ngủ của Vua), phía trước lầu là cung Quyển Bồng, hai bên có dãy hành lang làm nơi làm việc, trước cửa cung mở cửa tam quan, cũng gọi là cửa Quyển Bồng, hay là cửa Nam lâu, ngó ra cửa Vệ Môn” (Theo Tập san Sử Địa 19 & 20, Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, 1970).
Miêu tả của cụ Hoàng giáp Vĩnh Ân xem ra kích thước của Thành giống như là Chapman, nhưng chi tiết tỉ mỉ hơn. Cũng dễ hiểu, vì khi sứ đoàn người Anh đến đây, Hoàng Đế thành bỏ phế những đã 300 năm, mới vừa xây lại, khởi tu bổ vào năm 1776. Chapman đã nhận ra ngay “nhiều chỗ đã qua sửa chữa”.
Nhân đây thử tìm hiểu về nhận xét của Chapman ở các chi tiết là thành “không có đại bác, lỗ châu mai, tháp canh, kể cả những thứ để làm nên một công sự phòng thủ”.
+ Sách lược của Nguyễn Nhạc khi dấy nghiệp là hòa Bắc đánh Nam. Ông xem đất Đàng Ngoài như là một vùng đệm trước thế lực nhà Mãn Thanh đã thành lập vương triều cường thịnh, đã chiếm lĩnh cai trị đất Trung Hoa. Cho nên khi đến năm 1786 Nguyễn Huệ ra Bắc dẹp tan phủ chúa Trịnh, sợ vương triều Lê cũng tan biến theo, ông đã phải vội ra Thăng Long dẫn em về. Giữ yên mặt Bắc cũng là một thế phòng ngự, chưa cần dùng đến thành trì.
+ Bấy giờ ở mặt phía Nam, sau khi quân của Tống Phước Hiệp đại bại ở Phú Yên, Định vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương bị bắt giết ở Gia Định năm 1777, Nguyễn Ánh thoát được nhưng còn lận đận tận trong vùng Long Xuyên, Phú Quốc. Nguyễn Nhạc còn nhiều thời gian để gia cố công sự phòng thủ.
+ Thành Hoàng Đế vốn dĩ là Đồ Bàn xưa của người Chiêm, với núi cao, sông bọc chung quanh đã vốn như hào sâu, lũy chắn thiên nhiên. Thành Đồ Bàn đã từng hiên ngang ngăn chặn sự tấn công của quân Nguyên Mông năm 1283, tướng Toa Đô đành phải giong buồm ra Bắc. Cũng tại thành Đồ Bàn, gần trăm năm sau vua Trần Duệ Tông của Đại Việt bị trúng kế không thành của Chế Bồng Nga phải tử trận vào năm 1377. Năm 1471, thất thủ trước cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông, thành Đồ Bàn dưới góc nhìn của cụ Hoàng giáp Vĩnh Ân – Nguyễn Văn Hiển:
● “Chỉ vì vận mạng nước đó đến thời cáo chung, chứ đâu phải tội lỗi của bức thành đó”.
Uy thế phòng ngự của thành Hoàng Đế là các dãy núi phía Đông xa thì có Càn Dương, gần thì có núi Mò O, núi Phốc Lốc. Còn phía Nam xa thì có dãy Cù Mông, dãy Phước An, gần hơn thì có phòng tuyến núi Úc bao gồm các núi Kỳ Sơn, Phủ Sơn, Quảng Tín, Thị Thiện. Gần nữa thì có Gò Tập, núi Tam Tháp và các nhánh sông La Vỹ (Quai Vạc), Thạch Yển, Lam Kiều…
Công sự phòng thủ ở trong thành, nơi tháp Cánh Tiên có Kho thuốc súng, các Gò Chùa, Gò Cửa Chùa, Gò Tháp Mẫm là những pháo đài đặt đại bác… Võ Tánh và Ngô Tùng Châu từng dựa vào những kiến trúc đã có của nhà Tây Sơn mà chịu đựng được sự vây ép của tướng Trần Quang Diệu từ tháng Giêng năm Canh Thân (1800) cho đến tháng Năm năm Tân Dậu (1801). Bấy giờ, Trần Quang Diệu cũng nhờ vào núi hiểm sông sâu phía xa ngoài thành mà chặn đại quân Nguyễn Ánh không giải vây được cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.
 
Thế phòng ngự của thành Hoàng Đế đâu phải là không vững chắc.
Không những vậy, khi sứ đoàn người Anh đến thành Hoàng Đế, Chapman còn có nhận xét:
● “Vào bên trong thành, chúng tôi phải chờ chừng nửa giờ nơi dịch quán. Cổng và trên thành không một lính canh, mặt đất không có gì ngoài đồng lúa”.
Đúng là vậy, thôn Bả Canh nằm trong vòng thành Hoàng Đế, ruộng đất ở đây đa phần là quan điền. Quan điền là loại ruộng công do quan chức quản lý, để cho lính hoặc dân, cũng có thể là dân ở nơi khác đến cày cấy nộp với mức thuế cao, thu làm quốc khố, chiết lập quân lương cho thành trì. Năm Minh Mệnh áp dụng chính sách quân điền ở Bình Định, đã nhận thấy tại Bả Canh có một lượng lớn quan điền, gộp chung với công điền lên tới 119 mẫu, hơn gấp đôi tư điền. Tư điền của Bả Canh chỉ 45 mẫu.
Quân mà không lương phạn dù có uy dũng mấy thì thành cũng vỡ. Ruộng lúa mà Chapman thấy, chúng đã từng giúp cho thành kéo dài được thời gian chiến đấu trong lịch sử.
+ Năm 1799 khi Thái phủ Lê Văn Ứng của nhà Tây Sơn lên thượng đạo vận lương, bị Võ Tánh chặn đánh ở Cà Đáo (Dõng Hòa, huyện Tây Sơn ngày nay). Lê Văn Ứng chỉ thoát được thân. Cạn lương, Đại tổng quản Lê Văn Thanh, Thượng thư Binh bộ Nguyễn Đại Phác và Thiếu úy Trương Tiến Thúy phải dâng thành Hoàng Đế cho Nguyễn Ánh.
+ Năm 1801, lính phải giết ngựa mà ăn, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu người thì tự thiêu, người thì uống thuốc độc dâng thành cho Trần Quang Diệu.
Thành Hoàng Đế năm 1778 lúc Chapman đến đây, dù chỉ mới 2 năm trùng tu, nhưng qua tường trình của phái viên người Anh này, đối chiếu lại lịch sử của đất nước đã hình dung ra phần nào diện mạo, công năng một tòa thành của những vương triều đã chọn Bình Định làm quốc đô.
-----------------------
Nguồn: QuangTrung BinhKhe
(Sơ đồ thành Hoàng Đế và Chiến trận 1800 - 1801)

Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: