NÚI NON BÌNH ĐỊNH TRONG THƯ TỊCH CỔ

Đăng bởi Admin vào lúc 16-09-2020
NÚI NON BÌNH ĐỊNH TRONG THƯ TỊCH CỔ
1) THỔ SƠN VÀ ÚC SƠN
Danh sơn không chỉ là núi non kỳ vỹ, mây nước hữu tình. Một ngọn núi, một bìa rừng, một cội cây, ngọn cỏ thoáng có bóng dáng người xưa cũng đủ để lưu tên núi trong tâm khảm.
Phủ Quy Nhơn ngày xưa từng là chiến trường của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn Gia Miêu, nên núi non ở đây đẫm hằn máu đỏ, lưu dày tiếng kêu than của người Bình Định. Sao lục thư tịch cổ viết về nước non Bình Định là để sống với người xưa, để cùng người nay biết rõ và thương yêu hơn sông núi của mình.
● THỔ SƠN VÀ ÚC SƠN
Thổ Sơn, tên nôm na là một hòn Núi Đất. Ở khắp nơi đều dẫy đầy tên Núi Đất, không riêng gì ở Bình Định. Trong chiến trận 1793 ở phủ Quy Nhơn (Bình Định), Quốc sử quán triều Nguyễn có chép về Thổ Sơn và Úc Sơn trong Đại Nam Thực Lục:
● Tháng 6 năm Quý Sửu, Võ Tánh đánh vỡ quân giặc ở cầu Tân Hội. Giặc lui về Úc Sơn, giữ chỗ hiểm đặt quân phòng thủ… Vừa gặp bộ binh của bọn Tôn Thất Hội theo hai đường Hà Nha và Cù Mông kéo đến. Giặc Nguyễn Văn Bảo bèn đặt liền đồn trại từ Thổ Sơn đến Úc Sơn để chống quân ta. (Tr 317, Tập I)
Úc Sơn hay núi Úc, là hòn Hàm Long ở địa giới giáp ranh Phong Thạnh (TT Tuy Phước) và Thuận Nghi (Tp Quy Nhơn), chỗ cầu Trường Úc bây giờ. Trong chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Gia Miêu, nhà Tây Sơn có lập một phòng tuyến ở núi Úc để ngăn chặn thủy bộ binh Gia Định tiến lên thành Hoàng Đế (giờ thuộc xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn). Phòng tuyến cầu Tân Hội chỉ ngăn quân Nam đổ bộ lên Chợ Giã (Tp Quy Nhơn), phòng tuyến Úc Sơn là lớp thứ hai, ngăn được cả thủy binh từ đầm Thị Nại tiến lên theo ngả sông Tọc, chặn được cả bộ binh quân Nam nếu vượt được Cù Mông tiến ra, hoặc ngả đèo Cù Mông QL1A ra ngõ Phú Tài, hoặc ngả đường 19C (Hà Nha) ra ngõ Diêu Trì.
Nguyễn Văn Bảo (Nguyễn Bảo) là con của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, trong chiến trận Quý Sửu 1793 đã đóng liền đồn lũy từ Thổ Sơn đến Úc Sơn để chống cự với quân Gia Định. Như vậy Thổ Sơn có vị trí chiến lược quân sự gắn liền với phòng tuyến núi Úc, gắn liền với con đường có núi Úc và thành Hoàng Đế. Thổ Sơn hiện ở vị trí nào ngày nay?
Xét về Núi Đất – Thổ Sơn, ở mục Tháp cổ trong Đại Nam Nhất Thống Chí cũng của Quốc sử quán triều Nguyễn chép về cụm Tháp Thị Thiện ở Bình Định :
 
● “Tháp Thị Thiện gồm có 4 cái ở trên núi Đất, chỗ giáp giới 4 thôn Đại Lộc, Huỳnh Kim, Vạn Bảo, Phong Niên” (tr43, Tập III).
+ Đại Lộc nay là thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, Tuy Phước.
+ Huỳnh Kim nay thuộc phường Nhơn Hòa, Thị xã An Nhơn
+ Vạn Bảo nay là thôn Phú Mỹ, xã Phước Lộc, Tuy Phước.
+ Phong Niên nay thuộc thôn Phong Tấn (ghép tên xưa của 2 thôn Phong Niên và Tấn Lộc), xã Phước Lộc, Tuy Phước.
Thổ Sơn trong chiến trận 1793 là núi Thị Thiện ngày nay, là một ngọn đồi bên cạnh cầu Gành, còn gọi là cầu Bà Di. Trên núi có cụm tháp cổ Chiêm Thành, người Pháp gọi là Tháp Bạc, người địa phương còn gọi là Tháp Bánh Ít. Bên sườn núi phía Đông có Tu viện Nguyên Thiều, là trường Trung cấp Phật học Bình Định xây dựng từ hồi năm 1958.
-------------------
Nguồn: QuangTrung BinhKhe, Lâm Nguyệt Nữ

Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: