NÚI KỲ SƠN Ở TUY PHƯỚC

Đăng bởi Admin vào lúc 16-09-2020
NÚI KỲ SƠN Ở TUY PHƯỚC
Ở huyện Tuy Phước ngày nay có cụm núi, vây quanh nó là các xã Phước Nghĩa, Phước Hiệp, Phước Sơn, Phước Thuận và TT Tuy Phước. Cư dân xưa gọi tên cho núi nằm trên đất thuộc làng mình, nên theo đó mà phía Bắc có hòn Phụng Sơn ngó xuống làng Phụng Sơn phía hướng Đông. Bên cạnh đó là hòn Xuân Sơn ngó lên làng Xuân Mỹ chếch hướng Tây, làng Mỹ Trung phía hướng Bắc. Phía Nam là làng Huỳnh Mai có hòn Mai Sơn và hòn Hàm Long của làng Phong Thạnh (Phong Đăng). Khúc giữa có làng Kỳ Sơn nên ở đây gọi núi là Kỳ Sơn, sách xưa Nhất Thống Chí thời Tự Đức có lẽ đã dựa vào đây mà chép tên nầy gọi chung cho cả cụm núi.
Núi Kỳ Sơn theo như Đại Nam Nhất Thống Chí diễn tả thì nơi phía Bắc đoạn “Đèo Cao”, có khối đá dáng hình chim Phượng nên tục gọi chỗ nầy là núi Phượng. Như vậy ở đây hẳn tên núi phải có trước tên làng.
+ Làng Phụng Sơn của xã Phước Sơn, đến bây giờ cũng không tường tận xưa trước nó tên gọi là gì, chỉ rõ là vào thời Gia Long nó đã có tên Phụng Sơn Công Bình khách hộ Ấp, thuộc thôn Phụng Sơn của Thuộc Thời Tú.
+ Còn làng Kỳ Sơn bên cạnh thuở bấy giờ mang tên Mỹ Thuận khách hộ Ấp, thuộc thôn Thanh Sơn.
+ Làng Huỳnh Mai thời Gia Long là Huỳnh Mai khách hộ Ấp thuộc thôn Long An,
+ Làng Phong Thạnh bấy giờ là Phong Đăng khách hộ Ấp thuộc thôn An Sơn,
+ Xuân Mỹ là Xuân Mỹ Thượng khách hộ Ấp thuộc thôn Long Triều,
+ Mỹ Cang là Xuân Mỹ Trung khách hộ Ấp thuộc thôn Mỹ Cang,
+ Mỹ Trung là Xuân Mỹ Hạ khách hộ Ấp thuộc thôn Mỹ Trung.
Ở phía Nam của cụm núi là Hòn Hàm Long (núi Úc), tương truyền có tảng đá rất lớn trông giống miệng rồng, có hàm trên hàm dưới, có phiến đá nhỏ đưa ra chính giữa giống như chiếc lưỡi. Thời các chúa Nguyễn, trên lưng chừng núi lại có ngôi đền cổ tên là Hàm Long, nên núi mang tên giống như trường hợp của núi Phụng. Nhất Thống Chí còn cho biết thuở xưa ở chân núi Phụng, cách chừng 30 bước có một cái hố, hình thế bằng phẳng, rộng ước vài ba mẫu. Bên hố mọc ra một khối đá lớn giống hình con Rùa, nên người đời gọi đây là hồ Rùa.
Như vậy các địa danh xưa của vùng núi Kỳ Sơn gồm đủ cả tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng, dưới mắt giới thơ văn lại có thêm hình ảnh núi Xuân, rừng Mai.
Non nước hữu tình có lẽ cũng hun đúc khí linh làm con người nơi đây thấm tình sông núi. Làng Phụng Sơn, Kỳ Sơn xưa có những người chỉ học vị Tú Tài, như Nguyễn Thế Hiển, Nguyễn Thế Lương, như ông Tú Nguyễn Diêu làng Nhơn Ân cũng về mở trường dạy học nơi đây. Xưa những ông Tú tài nầy đã làm rạng rỡ xóm làng, đâu thua gì những bậc đại khoa làm đất nước nở mày nở mặt với lân bang. Tú tài nhưng học rộng đức cao, được dân làng lập Nghĩa tự để thờ phụng, còn hơn áo mão cân đai màu mè Tiến sĩ giấy.
---------------
Nguồn : QuangTrung BinhKhe, Lâm Nguyệt Nữ

Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: