ĐƯỜNG ĐẾN THÀNH HOÀNG ĐẾ

Đăng bởi Admin vào lúc 16-09-2020
ĐƯỜNG ĐẾN THÀNH HOÀNG ĐẾ NĂM 1778
CỦA SỨ ĐOÀN NGƯỜI ANH
Năm 1778, Charles Chapman, nhân viên của Công ty Đông Ấn thuộc Anh ở Bengal, được ủy nhiệm của Toàn quyền Anh nơi đây đã dẫn đầu một phái đoàn đến Xứ Đàng Trong. Mục đích của sứ đoàn là tìm kiếm cơ hội giao thương, bên trong ẩn giấu việc mở rộng sức ảnh hưởng lâu dài, không chỉ riêng là mở thương điếm.
Tàu Amazon và Jenny của phái đoàn Anh quốc cập cảng Quy Nhơn vào ngày 13 tháng Bảy năm 1778. Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc cho phép sứ đoàn người Anh được diện kiến ở triều đình. Triều đình nhà Tây Sơn đang đóng ở thành Hoàng Đế, hiện nay thuộc xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn.
Chiều tối ngày 22 tháng Bảy, Chapman lên bờ, nghỉ đêm ở nhà Quan trấn cảng. Đêm đó sứ đoàn người Anh đã được chiêu đãi bằng điệu múa của một đoàn vũ nữ. Charles Chapman thật thú vị khi lần đầu tiếp xúc với cách tán thưởng những màn trình diễn của xứ Đàng Trong ở đây.
Chapman chép trong Tường trình:
● “Lúc bắt đầu chương trình tiêu khiển này, Quan trấn cảng đã mang một vài xâu tiền đưa cho chúng tôi. Ông nói khi nào chúng tôi tán thưởng bất kỳ tiết mục nào thì ném chúng cho người biểu diễn".
Chapman đã phải mất 18 – 20 đô la Tây Ban Nha cho trò tán thưởng này.
8 giờ rưỡi sáng hôm sau, sứ đoàn khởi sự lên đường. Từ Quy Nhơn lên thành Hoàng Đế, Chapman nằm võng cáng, viên thư ký riêng và 2 tùy tùng đi bằng ngựa, theo sau là nhóm dân phu gánh mang tư trang và tặng phẩm của sứ đoàn.
Tường trình của Chapman về Sứ Mệnh Đến Xứ Đàng Trong cho biết: (Tr 39)
● “Thoạt đầu chúng tôi đi dọc theo bờ một dòng sông lớn, rồi đến một thung lũng trồng trỉa màu mỡ, núi cao bao quanh khắp mặt”.
(Our route at first lay along the banks of a considerable river till we entered a well cultivated valley which appeared encompassed on all sides with high mountains).
Khởi đầu sứ đoàn người Anh đi dọc theo bờ một dòng sông. Không con sông nào khác hơn là nhánh Hà Thanh chảy xuống cầu sông Ngang ra ngõ cầu Đôi bây giờ. Điều nầy trùng khớp với mô tả vào năm 1806 của Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định về đường nội Dinh Quy Nhơn.
Theo Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí của Lê Quang Định, từ cửa Nam Trấn thành Quy Nhơn (thành Hoàng Đế trước đó) là đường đến điếm Vĩnh Thế. Từ đây có nhánh rẽ sang Đông xuống đồn cửa Thị Nại (Bãi Nhạn Quy Nhơn), có đoạn đi dọc ven sông Phú Hòa Đông, đến cầu Tân Hội tục gọi cầu Đôi, theo đó đi qua Tháp, trước mặt Tháp có miếu thờ công thần, rồi đến Cẩm Thượng, Chánh Thành.
Phú Hòa Đông là tên vào thời Gia Long của làng Phú Hòa bây giờ. Cẩm Thượng nay thuộc phường Trần Hưng Đạo, Chánh Thành thuộc phường Lê Lợi của Tp. Quy Nhơn.
Tiếp theo sau đó là "đến một thung lũng trồng trỉa màu mỡ, núi cao bao quanh khắp mặt".
Không thể nào khác hơn là vùng đồng bằng Vinh Thạnh, Vĩnh Hy của xã Phước Lộc với núi bọc chung quanh, nào Kỳ Sơn, núi Úc, núi Phủ Sơn, núi Quảng Tín, núi Thị Thiện (Thổ Sơn)…
Điếm Vĩnh Thế chép trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí nay thuộc thôn Vĩnh Hy. Vĩnh Hy là thôn ghép tên 2 làng xưa Vĩnh Thế và Gia Hy.
Vượt qua thung lũng với ba, bốn làng khá trù phú, Chapman thấy ở trên đường, làng nào cũng như làng ấy đều có công quán (Chapman gọi là public houses). Theo nhận xét của Chapman, quán bán nước chè tươi loại kém giá trị thương phẩm (chắc là nước trà lá vối), trái cây, cùng với thức ăn thức uống cho khách bộ hành.
Đúng trưa, tại một quán như vậy đã chuẩn bị sẵn bữa dành cho Quan hướng đạo đồng hành với sứ đoàn Anh quốc. Chapman chép trong Tường trình:
● “Chúng tôi đã cùng tham dự và chi trả cho bữa tiệc. Nó gồm thịt gà cắt ra từng miếng nhỏ bóp muối, phủ lên một ít rau xanh, vài món cá và trà”.
Đến 4 giờ chiều, đoàn mới tiếp tục cuộc hành trình. Khi đến được một làng khác thì trời đã tối om. Chapman hỏi biết chỉ chừng một giờ đi ngựa nữa là kịp đến cung điện của nhà vua, nhưng viên quan hướng đạo đề nghị ở lại đây nghỉ qua đêm, vì đã quá muộn để được phép đi vào trong Hoàng thành. Sứ đoàn phải chấp thuận, vì ngay cả dân phu cùng hành lý còn ở tận phía sau chưa đến kịp.
Chưa thể khẳng định sứ đoàn người Anh ăn trưa cùng với quan hướng đạo ở tại làng nào hiện nay. Nhưng hình dung ra được hành trình tiếp theo của sứ đoàn người Anh theo đường quan lộ, đường Thiên lý triều Nguyễn sau nầy. Từ xã Phước Lộc họ đi tiếp lên cầu Gành, cầu Tân An, sau đó là Chợ Gò Chàm phường Bình Định bây giờ, rồi cầu Đập Đá. Và nghỉ đêm ở đâu đó chắc có lẽ là quãng từ chợ Gò Chàm (Lam Kiều Thị) tới Đập Đá (Thạch Yển), cung đường chỉ một giờ đi ngựa là đến thành Hoàng Đế.
Tối đó, phái đoàn người Anh phải một đêm mất ngủ vì có đám cháy gần đấy. Chapman than vãn:
● “Tiếng tre nứt nổ và tiếng mọi người kêu la ra sức dập tắt nó, chẳng hứa hẹn tốt đẹp chút nào cho giấc ngủ chúng tôi”.
Rạng sáng hôm sau, ngày 24 tháng Bảy năm 1778, sứ đoàn người Anh tiếp tục lên đường, họ đi dọc theo một con đường gồ ghề xuyên qua những đồng lúa, vượt qua một vài cây cầu xây yếu ớt. Khoảng 8 giờ họ đã thấy bóng dáng Hoàng thành của triều đình vua Thái Đức Nguyễn Nhạc.
------------------------
Nguồn : QuangTrung BinhKhe

Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: