CẤP HÀNH CHÁNH ĐỊA PHƯƠNG CỦA BÌNH ĐỊNH XƯA

Đăng bởi Admin vào lúc 16-09-2020
CẤP HÀNH CHÁNH ĐỊA PHƯƠNG CỦA BÌNH ĐỊNH XƯA
Về cấp hành chánh địa phương ở Bình Định, sau khi chiếm lấy thành Đồ Bàn của người Chiêm, triều Lê lập các Đạo Thừa tuyên trên cơ sở các Lộ thời Trần, thời Hồ. Bình Định thời bấy giờ là phủ Hoài Nhơn thuộc Thừa Tuyên Quảng Nam. Lúc Nguyễn Hoàng vào Nam đã cải gọi Thừa tuyên thành Dinh (Doanh), thường mỗi Dinh coi sóc một phủ, nhưng Dinh Quảng Nam kế thừa nếp cũ quản lĩnh tới 3 phủ là Thăng Hoa (Quảng Nam), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) và Quy Nhơn (Bình Định bây giờ).
Tương đương cấp Dinh có cấp Trấn. Trấn còn dùng để chỉ cho những địa phận miền biên viễn, là đơn vị quản hạt vùng mới thiết lập. Như vào năm 1698, khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập Dinh, lập Phủ, ở đây có 2 Dinh là Trấn Biên (Biên Hòa) và Phiên Trấn (Gia Định), đến năm 1714, Mạc Cửu đem đất Hà Tiên xin nội phụ, Chúa Nguyễn Phúc Chu chấp thuận, và đất nầy thành Trấn Hà Tiên của vùng phía Nam Đại Việt. Hoặc như sau nầy vào tháng Chín năm 1799, khi chiếm được thành Quy Nhơn, Nguyễn Ánh đặt Dinh Bình Định thống quản phủ Quy Nhơn (tức phủ Hoài Nhơn thời Lê), nhưng sang đến 1808 lại đổi gọi Dinh nầy là Trấn Bình Định.
Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, ở Đàng Trong dưới Dinh có Phủ, dưới Phủ có nhiều Huyện, dưới Huyện có nhiều Tổng và Thuộc, dưới Thuộc và Tổng có Xã, Thôn, Phường, Ấp, Giáp, Sách, Nậu, Man, Trang…
Tổng là vùng cư dân lập ấp đã lâu đời, Thuộc là vùng mới khai phá, vỡ hoang dọc biển, ven rừng núi. Thường thì Phường ở trong Xã, Ấp ở trong Thôn, Trang là xã người Minh Hương tức cấp hành chánh quản lý người Hoa ở Việt Nam, chỉ quản lý dân không quản lý theo đất, vì bấy giờ người Hoa không được quyền đứng tên sở hữu ruộng đất ở Việt Nam. Cấp hành chánh quản lý người Hoa là Trang (tương đương Xã của người Việt), Thuộc (tương đương Tổng, Thuộc của người Việt) và Bang (tương đương Huyện của người Việt). Người Hoa do Vĩnh An trang tọa lạc ở Nước Mặn, Tuy Phước quản lý, nhưng có thể sống tại An Thái, là địa phương có An Hòa trang tọa lạc đang quản lý các họ người Hoa sinh sống nơi đây, hoặc trên Vĩnh Thạnh, hoặc tại ngay dưới Tuy Phước.
Ở Quảng Nam xưa có nhiều Thuộc chỉ gồm các Phường, có nhiều Tổng bao gồm cả Xã, Giáp, Phường, Man…
Ở Bình Định, khi Gia Long lập Địa bạ 1815, nơi đây những đơn vị hành chánh cấp thấp như Sách, Giáp, Nậu, Man không thấy nữa. Riêng Ấp vẫn còn phân biệt Ấp chánh hộ và Ấp khách hộ, là để phân biệt mức thuế điền thổ cũng như sai dư (thuế thân) có từ thời các Chúa. Dân địa phương lâu đời đã ổn định (chánh hộ) phải nộp cao hơn so với địa phương mới (khách hộ), nơi mà người khai phá còn phải luôn xê dịch hết vùng nầy đến vùng nọ.
Theo như Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết vào năm 1776, ở xứ Đàng Trong lệ thuế nộp tiền tiết liệu (nộp dịp Tết) thì hạng Tráng của Chánh hộ phải nộp giá trị 5 thưng gạo, hạng Quân 4 thưng, trong khi đó hạng Tráng của Khách hộ chỉ nộp giá trị 4 thưng, hạng Quân 3 thưng. Có sự chênh lệch trong đóng góp, nên do đây mà làng xã ngày xưa có tệ hay so bì, phân biệt đối xử với hạng khách hộ, dân ngụ cư.
Khi đến triều Minh Mệnh đã cho cải Ấp thành Thôn hết thảy, Địa bạ 1839 không còn thấy thể hiện trạng thái chánh hộ hay là khách hộ nữa.
...
Nguồn: QuangTrung BinhKhe, Lâm Nguyệt Nữ
(Bản đồ Tp Qui Nhơn năm 1930)

Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: