ĐOAN NGỌ MỒNG 5 THÁNG 5 ÂM LỊCH
TẾT GIỮA NĂM CỦA NGƯỜI VIỆT
Đoan Ngọ năm ngoái đã post bài trên face
Nay lược sơ, tóm tắt gọn lại.
(Phần minh chứng phải dẫn dài dòng. Có thể đọc toàn bài theo link ở comment thứ 1)
VÌ SAO GỌI THÁNG 5 ÂM LỊCH LÀ GIỮA NĂM
Cấu trúc lịch cổ theo tuần trăng hầu hết cả Á lẫn Âu, cũng như của người Việt đều chỉ có 10 tháng. Cải tiến lịch theo chuyển vận mặt trời cho phù hợp chu kỳ khí hậu, người Việt xưa áp dụng yếu tố Tiết Khí, mới biến lịch thành 12 tháng. Hai tháng thêm vào là Chạp và Giêng. Người Việt có câu nói về tuần tự của tháng là Một, Chạp, Giêng, Hai. Tháng Một ngày xưa bây giờ gọi là tháng 11, hay tháng Tý, lấy Chi đầu tiên trong thập nhị Chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo… để đặt tên cho tháng Một.
Ăn Tết Nguyên Đán tháng Giêng (tức tháng Dần) là theo Lịch Kiến Dần, Ăn Tết tháng Một là theo Lịch Kiến Tý. Không loại trừ người Việt cổ đã ăn Tết Nguyên Đán tháng Một. Vào triều Nguyễn vẫn còn có người Xứ Đoài, tỉnh Sơn Tây lấy tháng 11 âm lịch làm đầu năm mới. Đại Nam Nhất Thống Chí chép:
+ Thổ dân ở các huyện Bất Bạt và Mỹ Lương, hằng năm lấy tháng 11 làm đầu năm, hàng tháng lấy ngày mồng 2 làm đầu tháng và lấy ngày mồng 1 làm cuối tháng, gọi là tháng lùi ngày tiến, lại gọi là ngày nội, dùng trong dân gian, còn ngày quan lịch thì gọi là ngày ngoại, chỉ dùng khi có việc quan
VÌ SAO LẠI ĂN TẾT GIỮA NĂM
Là dân nông nghiệp lúa nước, người Việt có câu ca dao:
Tháng Chạp là tháng trồng khoai,
Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà.
Tháng Ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng Tư làm mạ mưa sa đầy đồng…
Tháng Tư làm mạ để chuẩn bị cho vụ Mùa, trong khi bước qua tháng Năm lại là tháng thu hoạch vụ Chiêm:
Tháng Năm gặt hái đã xong,
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy
Trồng trỉa của người Việt, sau cây mưa sung vũ thường có vào tiết Tiểu Mãn hằng năm (21 tháng 5 dương lịch), là tới tiết Mang Chủng (ngày 5 hoặc 6 tháng 6 dương lịch) tức thời điểm phải tra giống, hoặc cấy hoặc gieo. Khoảng thời gian nầy, xét vào lịch đã cải tiến theo Tiết khí, biên độ xê dịch của ngày Mồng 5 tháng 5 âm lịch bao giờ cũng xoay quanh, hoặc trước hoặc sau tiết Mang Chủng. Như vậy ăn mừng vào giữa năm, xem như là lễ Tết, là mừng đã thu hoạch xong vụ Chiêm, mừng đã xuống được giống vụ Mùa.
NGƯỜI VIỆT XƯA ĂN TẾT GIỮA NĂM RA SAO
● Lao động nông vụ ngày xưa phải cần người. Ăn Tết Giữa năm ngày xưa là ngày đoàn tụ của anh em, con cháu trong nhà. Nếp xưa để lại, nên Cao Bá Quát làm quan ở xa không về được với gia đình trong ngày Đoan Ngọ, vào tiết Đoan Dương, ông đã thốt:
Mạc mạc gia hương lưỡng thân cách,
Thê thê ky hoạn nhất huynh dao…
(Đoan Dương – Cao Bá Quát)
Tạm hiểu:
Mờ mịt quê nhà xa phụ mẫu
Lăng xăng đất khách cách bào huynh…
● Trong ngày Tết Đoan ngọ xưa, vì vừa thu hoạch mùa màng nên chú Rể người Việt có tục mừng Cơm Mới cho gia đình vợ sắp cưới. Học trò còn có tục Sêu Tết cho Thầy dạy, vì lương phạn của những Thầy Đồ xưa chỉ nhờ vào thu hoạch suất ruộng công điền cấp cho mà tự canh tác.
● Tết Đoan ngọ người Việt thường dùng rượu nhẹ như rượu nếp, hoặc rượu ngâm thảo dược như thạch xương bồ, uống để điều hòa khí huyết trước thời tiết vừa mưa to vừa nắng gắt của tháng 5. Y kinh (sách thuốc) mô tả Thạch xương bồ là “loại cỏ trên đá, một tấc 9 cành, làm thuốc rất hay, uống lâu thành tiên”. Có phải vì vậy không mà ngày Đoan ngọ xưa dân gian đã có tục uống rượu gọi là để diệt trùng bọ ở trong người, nên Tết nầy xưa đã gọi là “Tết Giết Sâu Bọ”.
● Hoặc là vào ngày nầy, mọi người thường đi hái lá thuốc về tắm rửa cho thông huyết mạch, tránh cảm mạo trong tiết Đoan dương. Để rồi từ đó mới thêu dệt, du nhập, lưu truyền chuyện Lưu Thần, Nguyễn Triệu hái thuốc gặp tiên. Người Việt xưa còn lấy lá ngải bện treo trước cửa để ngăn khí độc vào ngày Đoan ngọ.
Kiểu dùng tơ ngũ sắc buộc vào cánh tay, mặc áo dấu, cột chỉ ngũ sắc vào bánh, gọi là dùng để cúng cho Khuất Nguyên… đó vốn là là tập tục ngoại lai, chúng đã du nhập theo hướng trừ ma, trấn quỷ, mang màu sắc tà thần, theo như mô tả của Ức Trai Nguyễn Trãi trong bài thơ Đoan Ngọ Nhật – Ngày Đoan Ngọ:
Thiên trung cộng hỷ trị giai thần
Tửu phiếm xương bồ tiết vật tân
Tiến thiếp đương niên tư Vĩnh Thúc
Trầm Tương để sự thán Linh Quân
Tịch tà bất dụng ty triền tý
Tùy tục liêu vi ngải kết nhân
Nguyện bả lan thang phân tứ hải
Tòng kim táo tuyết cựu ô dân
(Đoan Ngọ Nhật – Nguyễn Trãi)
Tạm hiểu nghĩa:
Cùng mừng nhau giữa trưa gặp được ngày giờ quý
Rượu ngâm xương bồ là món mới cho ngày tết, rót uống chơi
Nhớ năm ấy Vĩnh Thúc (Âu Dương Tu) can vua mà dâng sớ
Thấy thương cho Khuất Nguyên trầm mình xuống Tương giang
Không dùng chỉ ngũ sắc buộc ở cánh tay để trừ tà
Tạm lấy lá ngải bện thành hình nhân theo phong tục
Nguyện mang nước thơm mộc lan rải chia bốn biển
Để từ nay rửa sạch cái ô nhục trước đây của tứ dân.
● Tết Đoan ngọ. Xét ra ở vào cái thuở mà canh tác, nước nôi đều trông cậy vào thiên nhiên, vào mưa nắng… thu được mùa, xuống được giống, sao lại chẳng ăn mừng. Ăn mồng 5 tháng 5 âm lịch. Ăn cái Tết vào giữa năm. Ăn Tết thì đâu để riêng tưởng nhớ người đã trầm mình xuống giòng Mịch La, cũng đâu phải để nhắc đến chuyện mấy anh đi hái thuốc vô tình lạc chốn thiên thai. Những mắm muối ấy chỉ là những gia vị nêm thêm vào món ăn đã sẵn có.
Ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hiện giờ chỉ còn đáng quan tâm về khái niệm đây là ngày giết sâu bọ của người Việt xưa. Những con sâu con bọ trong tâm, con người không tự giết nó trước, chắc chắn việc sống chung với loài sâu bọ là điều không tránh khỏi.
-----------------
Nguồn : QuangTrung BinhKhe, Lâm Nguyệt Nữ
Bình luận: