CẦU ĐÔI TP. QUY NHƠN, TÊN GỌI CÓ TỪ BAO GIỜ

Đăng bởi Admin vào lúc 16-09-2020
CẦU ĐÔI TP. QUY NHƠN, TÊN GỌI CÓ TỪ BAO GIỜ
Cầu Đôi ở Thành phố Quy Nhơn, gồm một cầu đường bộ và một cầu đường sắt khởi từ Ga Diêu Trì xuống cảng. Hai cầu nằm song đôi với nhau, kề bên là Tháp Đôi, tháp cổ Chiêm Thành gồm 2 cái đã chừng nghìn năm tuổi. Ở đây hình ảnh đủ cặp đủ đôi đi liền, khiến cho bao câu ca xưa đã vin vào đó mà khơi duyên chuyện tình đôi lứa:
Cầu Đôi liền với Tháp Đôi,
Quanh năm suốt tháng như tôi với nàng.
Bấy lâu hầu như ai cũng cho rằng tên gọi Cầu Đôi, nó có khi người Pháp xây dựng đường sắt ở đây vào quãng thập kỷ 20, 30 của thế kỷ trước. Thực ra danh xưng Cầu Đôi đã có từ trước xa.
Trong chiến tranh giữa nhà Tây Sơn với họ Nguyễn Gia Miêu, sách sử nhà Nguyễn đã chép nó với tên là cầu Tân Hội. Nhà Tây Sơn đã lập phòng tuyến cầu Tân Hội để chống cự với quân Gia Định suốt các chiến trận từ 1793 đến 1801.
+ Như trong chiến trận 1793, tháng Sáu, Võ Tánh sau khi phá vỡ phòng tuyến cầu Tân Hội rồi tiến lên đánh với Nguyễn Bảo, con của vua Thái Đức ở cánh đồng Bình Thạnh:
● Quân ta tiến đến cánh đồng Bình Thạnh. Giặc Nguyễn Văn Nhạc sai con là Nguyễn Văn Bảo (ngụy xưng là Tiểu triều) đem quân tinh nhuệ và voi đực ra thành đánh. Quân ta đánh cho chạy (tr 317, Thực Lục Tập I)
Cánh đồng Bình Thạnh là quãng khu vực ngả ba Ông Thọ lên tới Chợ Dinh. Ở ngả ba Ông Thọ hiện nay vẫn còn đình làng Bình Thạnh. Rõ ràng phòng tuyến cầu Tân Hội nằm xa phía dưới cầu sông Ngang, cầu Chợ Dinh.
+ Như trong chiến trận 1800 – 1801, tháng 4 năm 1800 Nguyễn Ánh đưa đại quân ra giải vây cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ở thành Bình Định, đã gặp sức kháng cự kịch liệt của 2 tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng tại đây. Tháng Giêng năm 1801, sau trận đại hải chiến Thị Nại, quân Nam đổ bộ lên Chợ Giã (Quy Nhơn), tháng Ba, cánh quân của Lê Văn Duyệt đánh trận cầu Tân Hội:
● Tướng giặc Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng sai đồ đảng đặt đồn bảo liên tiếp ở Phú Hòa, cầu Đông Giang, cầu Tân Hội để chống cự quân ta. Vua sai Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Khiêm đem quân đánh … quân giặc tán loạn, bắt được Đô đốc Nguyễn Bá Phong. Vệ úy Vệ Ban Trực tả là Võ Văn Tài trúng đạn chết ở đồng Bình Thạnh, sau tặng Chưởng cơ. (Tr 465, Thực Lục Tập I)
Làng Phú Hòa nay vẫn còn tên. Phía trong cầu Đôi có đầm Phú Hòa, hay còn gọi là đầm Thanh Cẩn. Phía ngoài cầu Đôi là núi Hưng Thạnh hay núi Tháp Đôi, là ngọn đồi mà chính Nguyễn Ánh cho quân lên theo dõi động tĩnh của quân Tây Sơn ở phòng tuyến cầu Tân Hội:
● Vua đến cầu Tân Hội, hạ lệnh cho các quân chia đắp đồn bảo, đối lũy với giặc. Sắc từ nay hễ có báo động ban ngày thì treo cờ hiệu ở trên núi, ban đêm thì đốt đài lửa hiệu, để biết mà tiếp ứng nhau. (Tr 465, Thực Lục Tập I)
Đại Nam Nhất Thống Chí, sách viết vào đời Tự Đức chép tên ngọn núi này:
● Núi Hưng Thạnh: ở thôn Hưng Thạnh, [nằm] phía Đông huyện và phía Bắc Khổ Sơn, có tên nữa là núi Độc Lập, chân núi có đền Bao Trung, phía Tây giáp Cầu Mới, phía Bắc có rừng. Năm Tân Dậu đầu đời Trung hưng [1801], sau khi quân ta đánh được Thị Nại sai các tướng chia nhau đóng đồn và đắp lũy đối diện với giặc, vua sắc rằng: Mỗi khi có động, ban ngày thì treo cờ ở đỉnh núi, ban đêm đốt lửa làm hiệu để tiện tiếp ứng, tức là núi này. (Tr. 25, NTC Tập III)
Và Nhất Thống Chí cũng có chép về cầu Tân Hội:
● Cầu Tân Hội: Ở chỗ hết nước của đầm Biển Cạn thuộc huyện Tuy Phước, tục gọi là CẦU ĐÔI. Năm Quý Sửu (1793) đầu đời Trung Hưng, Võ Tánh phá quân giặc, năm Tân Dậu (1801) Lê Văn Duyệt đánh nhau với giặc, bắt được Đô đốc giặc Nguyễn Bá Phong, đều ở chỗ này. (Tr. 52, NTC Tập III)
Đầm Biển Cạn là tên gọi khác của Đầm Thị Nại. Trước đó, Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí do Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định soạn năm 1803, hoàn thành năm 1806 cũng có nói về cầu Tân Hội ở chỗ cuối của đầm Biển Cạn:
● Từ cầu sông Phú Hòa Đông, đường chạy dọc theo phía Bắc sông, phía Nam là ruộng đất cát, đến cầu Tân Hội, cầu dài 23 tầm (quãng 48m), tục gọi là CẦU ĐÔI, đây là chỗ cuối của đầm Biển Cạn. (chép lại Trang 249, HVNTDĐC)
Phú Hòa Đông là tên làng Phú Hòa vào thời Gia Long. Như vậy các sách triều Nguyễn đều khẳng định xưa Cầu Tân Hội tục gọi là Cầu Đôi.
Nói tóm lại, cầu Đôi ở thành phố Quy Nhơn nó đã mang tên gọi trong dân gian từ hồi xa lơ xa lắc, có thể nó đã có trước khi là nhà Tây Sơn dấy nghiệp ở phủ Quy Nhơn.
Đã mấy trăm năm cây Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi là hình tượng của nhân nghĩa, của tình thương đã ăn sâu vào tâm thức người Bình Định:
Cầu Đôi mà Tháp cũng Đôi
Dễ chi nhân nghĩa mà dời được sao
-------------------------------------------
Nguồn : QuangTrung BinhKhe, Lâm Nguyệt Nữ

Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: