CHỢ GIÃ CỦA BÌNH ĐỊNH HIỆN NAY Ở ĐÂU

Đăng bởi Admin vào lúc 16-09-2020
CHỢ GIÃ CỦA BÌNH ĐỊNH HIỆN NAY Ở ĐÂU
Nếu nói về Cửa Giã thì người Bình Định xưa có câu:
“Ai về cửa Giã chiều hôm
Măng le gởi xuống cá chuồn gởi lên”.
Nghe tên cửa Giã, nhưng nhiều người Bình Định hiện nay chắc gì biết được nó ở chỗ nào. Có thể suy ra được nó là một cửa biển nhờ vào món “cá Chuồn”, nhờ vào lưới cào, xưa đánh bắt bằng phương tiện nầy gọi là “kéo Giã”. Bình Định cũng có lắm cửa biển thì cửa Giã là cửa biển nào. Nếu dựa vào “Măng le” là một sản phẩm đặc thù của vùng Tây nguyên, thì Măng le gởi xuống cho cửa Giã, hiểu được chỉ có thể đó là cửa biển Quy Nhơn.
Với cửa Giã phải khổ công là vậy huống hồ là chợ. Chợ thì có mặt ở khắp nơi vùng hạ bạn. Đây đúng là điều khốn khó cho những nhà chép sử ngày xưa, và ngay cho cả những nhà biên dịch ngày nay.
Mấy nhà chép sử của Quốc sử quán triều Nguyễn có chép về một trận đánh giữa quân Gia Định của Nguyễn Ánh với nhà Tây Sơn vào tháng Tư năm Kỷ Mùi 1799:
+ Võ Tánh và Nguyễn Hoàng Đức đánh giặc ở Thị Dã. Thiếu úy giặc là Trương Tiến Thúy thua chạy. Bắt được 13 thớt voi. Quân giặc chết và bị thương rất nhiều. Đuổi đến cầu Tân An, chém được Đô đốc giặc là Nguyễn Thực. Vệ úy vệ Ban trực hữu quân Thần sách là Tôn Thất Nông chết trận.
Theo cách chép sử thì hiểu được trong trận nầy quân Nam đuổi đến cầu Tân An thì bên Tây Sơn bị mất một Đô đốc, bên nhà Nguyễn Gia Miêu cũng chết tại trận một Vệ úy của phiên hiệu quân Thần Sách. Có thể đoán định theo vị trí quanh cầu Tân An thì Thị Dã là Chợ Giã. Khốn nỗi những nhà biên dịch chua thêm, gọi nơi đây là Đồng Thị, Vì Dã [埜 hoặc 野] mang nghĩa là đồng nội.
Người Bình Định hiện nay đố ai rõ được Đồng Thị là nơi nào. Cái chết người ở đây là ngữ âm giữa GI và D của người Bình Định thông thường đều phát âm theo GI. Những nhà biên dịch người Bắc theo cách hiểu của mình đã chuyển ngữ Thị Dã của người chép sử ra làm Đồng Thị. Người chép sử đã không dùng chữ Nôm, còn người dịch cứ vậy mà làm, càng gây rối thêm cho người đọc sử.
Theo Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí do Lê Quang Định khởi biên từ năm 1802, đã được nhà biên dịch Phan Đăng chép rõ ra tên “Chợ Giã”. Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định mô tả đường đến Chợ Giã trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí:
+ 444 tầm (tính từ Chợ Cẩm Thượng) … là đến Chợ Thượng Lộc (tục gọi Chợ Giã), hai bên chợ có quán xá rất đông đúc, khách đi đường có thể nghỉ lại đây. Ngày trước quân ta đại phá thủy quân Tư đồ Vũ Văn Dũng của Tây Sơn tại nơi này.
Như vậy với cứ liệu của Lê Quang Định, kết hợp thông tin mà Thực Lục đã chép thì trước trận hải chiến Thị Nại (1801), vào năm 1799 quân Nam đã đổ bộ lên được Chợ Giã, và từ đây Võ Tánh cùng Nguyễn Huỳnh Đức rượt đuổi quân Trương Tiến Thúy đến tận cầu Tân An, chỗ giáp ranh Phường Bình Định với thôn Huỳnh Kim trên QL 1 bây giờ. Chợ Giã là chợ của ấp Thượng Lộc Tứ Chánh, cách chợ Cẩm Thượng 444 tầm, tức khoảng 940m.
Đến triều vua Minh Mệnh, năm 1839 đã cải Cẩm Thượng Tứ Chánh ấp thành thôn Cẩm Thượng, cải Thượng Lộc Tứ Chánh ấp thành thôn Chánh Lộc, sau gọi là Chánh Thành. Dấu xưa chỉ còn biết đình Cẩm Thượng hiện ở phường Trần Hưng Đạo.
Chắc là Chợ Giã hồi ấy nằm đâu đó vùng Khu 2 của Quy Nhơn. Không chừng cũng có thể là Chợ Lớn Quy Nhơn, hoặc Chợ Chiều chỗ đường Nguyễn Huệ bây giờ, nơi nằm bên cửa Giã có cá Chuồn để trao đổi Măng Le của người miền ngược.
Người Bình Định hôm nay phần nhiều đã quên lãng dấu tích xưa, chỉ vì người ngày nay đâu còn lưu tâm những gì của ngày xa xưa cũ nữa.
----------
Nguồn : QuangTrung BinhKhe, Lâm Nguyệt Nữ
(Ảnh của cơ quan truyền thông Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia)

Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: